Trời mưa thì đọc cái gì?

Kinh điển.

Tương tự như câu trả lời của Nhị Linh cho câu hỏi: "Khi không có gì để đọc thì đọc cái gì?" Điều này không có nghĩa là khi trời mưa thì không có gì để đọc, thậm chí là có quá nhiều thứ để đọc ấy chứ:d , nhưng mà đọc cái gì để mà không phí cả buổi chiều tuyệt vời ấy :D.

Akutagawa Ryunosuke. Một tác gia châu Á tuyệt vời nhất mà mình đã từng đọc... Và quyển mình đang đọc là Trinh tiết - tuyển tập truyện ngắn Akutagawa Ryunosuke.


Với những ai yêu văn học Nhật thì có lẽ chẳng ai còn lạ gì bác ý, bởi vì tên bác còn được gắn cho cả 1 giải thưởng văn học danh giá mà các tác giả đương đại đều đang cố để đạt được. Không hiểu sao mà trước đây mình đọc không thể vào, chắc do tác phẩm đầu tiên đọc lại là "cái mũi" :D. Mình vẫn yêu Milan Kundera và Chekov, nhưng b h mình yêu cả Akutagawa nữa. Nhứt nhứt nhứt!! Thôi thì tạm gác Haruki Murakami và chủ nghĩa siêu thực của bác sang 1 bên đã:d (chú thích rằng mình cũng là ng hâm mộ H.M :D).


Tại sao A.R lại hấp dẫn vậy nhỉ? Có thể là tính cách Nhật trong các tác phẩm của bác chăng?? Những câu chuyện tập hợp lại các điển tích trước đó, viết lại với bút pháp hiện đại và có thể biến tấu thành những câu chuyện hoàn toàn khác. Những câu chuyện về tinh thần võ sĩ đạo đã từ lâu trở thành tinh thần Nhật, tâm hồn Nhật, và có lẽ nhờ đó mà nó còn trường tồn giữa vạn biến. Câu chuyện về chiếc "Khăn mùi soa" ấy, bề ngoài tưởng chừng vô cùng giản dị: khuôn mặt thì tươi tắn mà chiếc khăn tay, chẳng ai hay, đã bị vò nát tự bao giờ.. Chủ nghĩa tân hiện thực (neo-realism), dùng khả năng của lí trí để phán đoán các hiện tượng xã hội một cách lạnh lùng, khách quan đã được bác sử dụng rất thành công trong các tác phẩm của mình. Ngọt ngào và sắc lịm.. Lạnh lùng và vô hình.


Nhưng cũng có thể, sự hấp dẫn nằm ở cái "sắc sắc không không, ác thiện - thiện ác" của đạo Phật mà tác giả mượn dùng để viết nên những cốt truyện của mình, trên cơ sở những phân tích tình cảm, hỉ nộ ái ố, được kết hợp với cái mà như Jame O’Brien gọi, "truyện có tính chất tựa như kịch bản phim (scenario like quality)". Đúng như dịch giả mượn lời khi viết về các tác phẩm của bác: "Nghiệp chướng do đâu mà có, tự lòng ta hay tại tha nhân?": làn gió ùa vào cùng ánh trăng và sự chờ đợi đã đến hồi kết của đôi tình nhân oan nghiệt ("Lòng đã trót yêu", hay đó là tiếng khóc ai oán, ân hận của người mẹ chồng sau cái chết của người con dâu ("Cục đất), giằng co nội tâm yếm thế của học trò Basho quanh gối ngài khi ngài hấp hối ("Cánh đồng khô")... Khi những vinh quang, đam mê, oán hận qua đi, và chẳng còn gì ngoài hư vô ở lại..

Cũng có thể, nguyên nhân còn nằm ở tính loạn trí, ở sự mơ hồ, ở sự ám ảnh không thể cắt nghĩa, những ảo ảnh không bao giờ dứt, những đêm mất ngủ và thuốc ngủ, sự lẫn lộn giữa mơ và thực trong những tác phẩm cuối đời của bác..


Có một chi tiết rất nhỏ nhưng mình cho rằng, nó đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định vị thế của NXB Văn học trong giới xuất bản, mà còn lâu các NXB khác, Nhã Nam đi chăng nữa, còn lâu mới lại được. Cụ thể là: đầu sách có 1 bài Giới thiệu, 1 bài Lời ngỏ, 1 bài Tiểu sử, và cuối sách có 2 bài thuộc phần Biên khảo; chưa kể lời dẫn, giới thiệu và ghi chú khác của dịch giả trong từng tác phẩm. Hiện nay, các quyển sách với những chiếc bìa mỹ miều và giấy tốt bắt đầu nhan nhản, nhưng để tìm một quyển sách dịch cẩn thận, hiệu đính đâu ra đấy đã khó, mà có hẳn những bài viết như này càng khó hơn.. Các trang bìa thứ 4 không có gì nhiều nhặn, ngoài vài dòng về quê quán, nơi ở của tác giả và các tác phẩm đoạt giải hay đem lại tên tuổi, cùng với những lời ngợi khen của Gallimard, NYtimes.. Có lẽ, các dịch giả của quyển sách này do học Nhật văn, nghiên cứu nó, sống trong văn hoá đó, nên cũng nhiễm tính cẩn thận, chỉn chu đó chăng? Nếu vậy thì tính cách này đáng được quảng bá và noi gương lắm..



Chung quy lại, lâu lắm mới thấy cái bìa thứ 4 nào đem lại lời quảng cáo đúng đắn: "Các bạn đang cầm trong tay những câu chuyện tuyệt vời nhất của văn chương". Tuyệt vời!!!! (Nếu đọc đến đây còn k thấy tuyệt vời thì là do tớ viết kém đấy:)) )

Comments

Popular Posts